Vai trò CIO trong doanh nghiệp: kinh nghiệm từ Microsoft
Các bộ phận CNTT doanh nghiệp là nơi đang giúp các công ty tạo nên những sản phẩm và dịch vụ mới nhất. Theo Tony Scott, CIO của Tập đoàn Microsoft, vai trò của người lãnh đạo CNTT trong doanh nghiệp hiện đại đang tăng cao và Microsoft không phải là ngoại lệ. Bộ phận CNTT của Tập đoàn đang tích cực tham gia không chỉ vào việc hỗ trợ những hệ thống thông tin hiện có mà còn tạo nên các sản phẩm và dịch vụ mới. Cuối tháng 4/2011, Tony Scott có chuyến thăm, làm việc tại Moskva. Bài viết của IDG News Service Nga là nhân sự kiện này.

 

Nói chung, theo Scot, người lãnh đạo CNTT ngày càng phải tham gia sâu hơn không chỉ vào việc đảm bảo các chức năng tính toán mà còn cả vào các quá trình tạo ra thu nhập, quản lý rủi ro (ví dụ, chính Scott là người phụ trách chương trình quản lý rủi ro hoạt động của Microsoft) và thậm chí là bảo vệ thương hiệu của công ty vì uy tín của doanh nghiệp hiện đại phụ thuộc vào sản phẩm và dịch vụ mà họ cung cấp cho khách hàng bên ngoài; đảm bảo độ ổn định của các quy trình kinh doanh và nhiều khía cạnh khác cũng phụ thuộc đáng kể vào hệ thống CNTT doanh nghiệp.

Theo Scott, dường như tất cả nhu cầu với CNTT hiện tại đã vượt khả năng tài chính của doanh nghiệp và vì thế phải xác định ưu tiên trong phát triển CNTT. Liên quan đến sự tham gia của người lãnh đạo CNTT vào quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp, vai trò của lãnh đạo CNTT trong những quá trình này được xác định dựa vào các đặc điểm của một công ty cụ thể, tình huống trên các thị trường then chốt của công ty đó, vị trí quản trị viên hàng đầu trong doanh nghiệp của người lãnh đạo CNTT...

"Thậm chí ở các công ty bảo thủ nhất, vai trò của lãnh đạo CNTT về các vấn đề khác nhau có thể khác nhau - Scott tin tưởng nói - Đối với một số vấn đề, CIO phải giữ vai trò chủ đạo trong việc tạo thay đổi".

Scott đặc biệt lưu ý 2 khuynh hướng then chốt trong phát triển CNTT hiện đại: Tương thích CNTT (tương thích các trang thiết bị thoạt đầu được tạo cho số đông cá nhân người dùng thành thiết bị phục vụ nhu cầu doanh nghiệp) và điện toán đám mây. Dịch vụ CNTT của Microsoft đóng vai trò đặc biệt trong phát triển điện toán đám mây của Công ty Microsoft. Theo Scott, nhân viên thuộc quyền của ông đang tương tác chặt chẽ với các nhà phát triển nền tảng đám mây của Microsoft và các sản phẩm có khả năng làm việc trên nền tảng đó, tích cực sử dụng những công nghệ này và bỏ nhiều thì giờ giao tiếp cùng khách hàng của Công ty, trao đổi kinh nghiệm ứng dụng các giải pháp đám mây và nghiên cứu các nhu cầu của khách hàng.

Công ty Microsoft đang vạch lộ trình chuyển sang điện toán đám mây tất cả những phần có thể chuyển trong các ứng dụng của mình. Trong vòng 4 năm sắp tới, gần 80% ứng dụng hiện nay sẽ được chuyển lên các "đám mây", và những ứng dụng còn lại thì sẽ bị loại bỏ khỏi quá trình khai thác. Kế hoạch này sẽ giúp cắt giảm đáng kể thời hạn phát triển và giảm hẳn chi phí điều hành nhờ cắt giảm chi phí với các nguồn lực cần thiết để tạo ra và kiểm thử sản phẩm mới (hiện tại, những chi phí này gần bằng các chi phí khai thác CNTT nội bộ của Tập đoàn).

"Chuyển sang điện toán đám mây sẽ cho phép giảm 30% - 40% chi phí một số loại công việc của bộ phận CNTT của Microsoft - Scott nói - Ngân sách CNTT trong trường hợp này không giảm, các nguồn lực giải phóng được dùng để đáp ứng các nhu cầu CNTT khác trong Công ty".

"Tương thích CNTT" cũng ảnh hưởng đáng kể tới doanh nghiệp. Nhờ "tương thích CNTT", người dùng sẽ nhận được các thiết bị ngày càng có nhiều tính năng. Kết quả trông đợi là, theo Scott, sẽ giảm được thì giờ ra quyết định, truy cập nhanh vào các dạng thông tin khác nhau, tăng năng suất lao động và cuối cùng là tăng hiệu quả kinh doanh. Cùng với đó, sẽ có một số rủi ro, đặc biệt là liên quan tới bảo toàn dữ liệu cá nhân và thông tin dịch vụ. Cần có công tác phòng vệ nghiêm túc - phải làm sao cho người dùng tuân thủ triệt để các nguyên tắc an ninh bảo mật nhất định trong quá trình làm việc với các hệ thống của công ty.

Về vai trò của các thiết bị tiêu dùng hiện nay, Scott rất thực dụng: "Có những nhiệm vụ giải quyết bằng máy tính bảng thuận tiện hơn nhiều so với sử dụng PC". Tuỳ thuộc nhiệm vụ mà người dùng sử dụng thiết bị tương ứng. Scott chia ra 3 loại nhiệm vụ then chốt: Tiêu dùng nội dung thông tin (rất nhiều loại thiết bị phù hợp tiêu chí này); Tạo nội dung thông tin (không phải thiết bị nào cũng tạo nội dung thông tin một cách hiệu quả); Làm việc cộng tác với thông tin.

Bộ phận CNTT của Tập đoàn Microsoft đang hỗ trợ một dải rộng các thiết bị có khả năng tương tác với các công nghệ của Microsoft, không cố gắng đa năng hoá một thiết bị nào, vì nó hầu như chỉ sử dụng để kiểm tra độ tương thích với các sản phẩm khác của Công ty mà thôi. Công ty cũng không phân biệt việc chăm sóc thiết bị của nhân viên và các thiết bị của Công ty. Bộ phận CNTT của Microsoft còn nhận chăm sóc cả các thiết bị không vận hành trên nền tảng Microsoft nếu chúng có khả năng làm việc với các công nghệ của Tập đoàn, ví dụ để truy cập vào các chức năng Lịch và Thư điện tử.

Trong số các khuynh hướng khác có ảnh hưởng nghiêm túc đến sự phát triển của CNTT, theo Scott, có những ảnh hưởng ngày một nhiều hơn của các công nghệ lên hành vi của nhân viên và lên tính chất công việc của họ, và sự gia tăng số nguồn thông tin cần phải hợp nhất và xử lý. 

Source: IDG News Service
Bài viết liên quan
  • Các yếu tố DNVVN cần quan tâm khi ứng dụng CNTT
  • Cần nhìn xa trong việc quản lý rủi ro
  • Master Business 2011